Subaru Eyesight: Công nghệ an toàn hoàn hảo trang bị trên xe ô tô Subaru

Để kiểm nghiệm chất lượng cũng như độ hiệu quả của hệ thống an toàn Subaru EyeSight, Xe - Thanh Niên quyết định dùng Forester đời 2019, chiếc xe đã qua sử dụng 3 năm. Đây là khoảng thời gian đủ dài để đánh giá về tính bền bỉ của hệ thống an toàn đang được trang bị trên nhiều dòng xe Subaru.
GIỚI THIỆU VỀ SUBARU EYESIGHT QUA VIDEO
Trước khi tìm hiểu chi tiết về hệ thống Subaru Eyesight của thương hiệu Subaru, hãy cùng xem Video giới thiệu về hệ thống này :
EYESIGHT LÀ GÌ ?
Đúng như tên gọi, EyeSight là một loạt các chức năng nhằm hỗ trợ người lái, trong đó toàn bộ hệ thống xử lý đều trông cậy vào dữ liệu thu về từ các máy quay kép (stereo camera) gắn phía sau kính lái, với khả năng thu về hình ảnh 3 chiều, có màu, ở chất lượng cao nhằm đảm bảo khả năng nhận dạng vật thể tối ưu nhất.
Qua các phân tích dựa trên những hình ảnh như vậy, chiếc xe sẽ nhận biết những nguy cơ tiềm ẩn, và đưa ra các giải pháp xử lý chủ động phù hợp nhất (bao gồm cả tác động lên hệ thống phanh, hộp số, cũng như cơ chế ga) để giảm thiểu tối đa nguy cơ va chạm. Bên cạnh việc tăng cường an toàn, EyeSight cũng được kì vọng sẽ giúp giảm căng thẳng cho người lái trong các tình huống xử lý phức tạp.
So với các hệ thống tương tự sử dụng radar, LIDAR hay máy quay đơn, EyeSight ưu việt hơn nhiều. Radar thường hạn chế trong việc phát hiện vật thể quá gần, khoảng nhận biết hẹp và độ phân giải không cao, trong khi LIDAR lại có tầm hoạt động ngắn, và chỉ nhận biết được phương tiện khác mà thôi. Về phần mình, các hệ thống an toàn lấy tín hiệu từ máy quay đơn thường xuyên gặp khó trong việc phát hiện vật thể tĩnh, và không thể xác định chính xác được khoảng cách giữa các đối tượng. Tất cả những nhược điểm này đều được khắc phục rất hiệu quả trong giải pháp mà Subaru lựa chọn.
Cũng theo chia sẻ với người viết từ Kĩ sư cao cấp Subaru, ông Koichi Abe, EyeSight là sự bổ sung mới nhất trong bộ công nghệ cốt lõi, nền tảng làm nên giá trị nổi bật của những chiếc xe do tập đoàn công nghiệp nổi tiếng Nhật Bản vốn từng mang tên gọi Fuji Heavy Industries chế tạo. Ba công nghệ còn lại gồm động cơ đối xứng Boxer nằm ngang trọng tâm thất, hệ thống dẫn động bốn bánh toàn thời gian đối xứng lừng danh SAWD, và hệ khung gầm toàn cầu mới của Subaru.
Nói như vậy cũng có nghĩa là EyeSight sẽ được tập trung phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, nhằm đáp ứng kịp những chuyển dịch nhanh chóng trong ngành công nghiệp ô tô hiện đại. Mặt khác, đây cũng là thành phần quan trọng trong nỗ lực cải thiện độ an toàn của ô tô mà Subaru đang theo đuổi trong chiến lược phát triển Tầm nhìn 2020 của mình. Được biết, nhằm hoàn thiện cơ chế xử lý và đảm bảo tính chính xác trong vận hành cho EyeSight, Subaru đã tiến hành hàng loạt các thử nghiệm thực tế tại những quốc gia có điều kiện tự nhiên và tình hình giao thông phức tạp, khắc nghiệt nhất, trong một thời gian dài.
Trước đây, ông Jinya Shoji, Tổng Giám đốc phụ trách hoạt động tiếp thị toàn cầu của Subaru từng cho biết, EyeSight sẽ sớm được triển khai như một tùy chọn mặc định trên toàn bộ các sản phẩm bán ra thị trường (trừ chiếc coupe thể thao BRZ do những quy định giới hạn trong khuôn khổ hợp tác với Toyota). Tới nay, hầu như các nước ASEAN đều đã đón nhận “món mới” này đúng với lời hứa ấy. Tại Việt Nam, Forester là một trong những mẫu xe tiên phong được trang bị công nghệ mới này.
SUBARU EYESIGHT HOẠT ĐỘNG THẾ NÀO?
Về mặt nguyên tắc, EyeSight có 5 ứng dụng chính, phát triển từ những chức năng truyền thống của ô tô nhưng được "thông minh hóa" dựa trên dữ liệu từ máy quay và "bộ óc" phân tích điện tử của xe:
- Kiểm soát hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control): Không chỉ dừng lại ở việc tự duy trì ga hay "xịn" hơn là tự phanh khi có vật cản phía trước như nhiều dòng xe khác đang có, ACC trên thế hệ xe Subaru mới sẽ có thể duy trì khoảng cách với những chiếc xe chạy phía trước một cách hài hòa. Để làm được như vậy, EyeSight phân tích hình ảnh thu về để đánh giá tốc độ xe phía trước, từ đó điều hành hộp số, ga và phanh sao cho việc "bám đuôi" êm ái và an toàn nhất có thể.
- Cảnh báo tình huống chệch làn và chuyển làn liên tục bất thường (Lane departure & lane sway alert): Thực tế, đây là tổ hợp của hai tính năng hoàn toàn độc lập. Không chỉ dừng lại ở việc có thể cảnh báo khi xe bị di chuyển chệch khỏi làn đường di chuyển (một tính năng khá phổ biến), EyeSight còn cảnh báo được cả hiện tượng chuyển làn một cách "khả nghi" thông qua sự quan sát chính xác bằng các máy quay. Nói cách khác, nếu chiếc xe bị đảo làn liên tục một cách bất thường (tình trạng thường gặp do tài xế ngủ gật hoặc dùng điện thoại khi đang cầm vô lăng), EyeSight sẽ chủ động báo động để tránh rủi ro xảy ra. Tính năng thứ hai này chỉ hoạt động khi xe di chuyển trên 50km/giờ.
- Cảnh báo xe phía trước di chuyển (Lead vehicle start alert): Trong trường hợp nhích từng mét một khi tắc đường, hoặc đơn thuần dừng đèn đỏ, EyeSight sẽ phát cảnh báo khi xe phía trước di chuyển. Đây là tính năng rất thuận tiện cho những ai dễ bị lơ đễnh mỗi khi chờ đợi trên đường. Tuy nhiên ở Việt Nam, tính năng này có lẽ hơi...thừa vì thậm chí đôi khi đèn đỏ còn chưa chuyển xanh, tài xế phía sau bạn đã bấm còi và chớp đèn thay cho EyeSight rồi.
- Hệ thống phanh tránh va chạm (Pre-collosion Braking): Đây có lẽ là "món" quan trọng và hữu ích bậc nhất của EyeSight. Trong quá trình xe di chuyển, nếu nguy cơ va chạm bất ngờ xảy đến, EyeSight sẽ cảnh báo người lái bằng âm thanh và đèn chớp trên táp lô. Nếu không có phản ứng nào, xe sẽ tự động phanh để tránh va chạm. Tuy nhiên, không dừng ở đó, EyeSight thậm chí sẽ bù lực phanh cho phù hợp nếu tài xế đạp phanh không đủ mạnh để dừng xe trước khi đâm vào chướng ngại vật phía trước. Dĩ nhiên, đây là hệ quả đến từ những tính toán chính xác do EyeSight thực hiện.
- Kiểm soát chân ga tránh va chạm (Pre-collision throttle management): Để tránh tình huống "xe điên", nếu phát hiện có chướng ngại vật phía trước và người lái lại đang để hộp số ở D, EyeSight sẽ phát âm thanh cảnh báo trước khi ngắt hoàn toàn lực kéo động cơ (trong 4 giây) để tránh va chạm. Tuy nhiên, để tránh chức năng này có thể biến chiếc xe thành mồi ngon cho những tên cướp hoặc kẻ ăn vạ dọc đường, sau khoảng thời gian nói trên, lực kéo sẽ được phục hồi, cho phép người lái dễ dàng né những tình huống không mong muốn.
Không giống như các nhà sản xuất ô tô khác thường sử dụng hệ thống radar hay máy quay đơn… camera nổi trong công nghệ EyeSight tối ưu hơn khi nhận diện được cả phương tiện và người đi bộ... đồng thời có khả năng thu thập hình ảnh 3 chiều, có màu sắc với chất lượng cao.
Thông qua những hình ảnh thu thập được, công nghệ Subaru EyeSight sẽ nhận diện được nguy cơ xảy ra va chạm trong các tình huống giao thông thực tế. Sau đó, liên kết với hệ thống máy tính điện tử ECU để xử lý dữ liệu, đưa ra cảnh báo cũng như các giải pháp xử lý thông qua việc tác động lên hệ thống phanh, hoặc giảm bướm ga để hỗ trợ người lái, giảm thiểu nguy cơ va chạm.
Theo ông Koichi Abe - kỹ sư cao cấp của Subaru, thông qua camera nổi kết hợp với hệ thống lái, công nghệ EyeSight sẽ góp phần hỗ trợ người lái thông qua 5 chức năng chính gồm: Tự động phanh để phòng tránh va chạm, kiểm soát hành trình thích ứng, xử lý bướm ga tránh va chạm, cảnh báo đảo làn chệch làn đường và thông báo xe phía trước đã di chuyển.
EYESIGHT CÓ HIỆU QUẢ TRONG THỰC TẾ SỬ DỤNG ?
Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, EyeSight thực tế đã có cơ hội thể hiện giá trị thực tế trong việc cải thiện an toàn giao thông. Theo những đánh giá của Trung tâm phân tích dữ liệu tai nạn Nhật Bản, hệ thống này đã giảm thiểu đáng kể số lượng các rủi ro va chạm giao thông. Nhờ vậy, toàn bộ xe Subaru đều đạt đánh giá ASV++, mức an toàn tốt nhất trong thang điểm của JNCAP.
Thực tế, với người dùng, do hầu hết các tính năng của EyeSight đều vận hành hoàn toàn tự động, việc tận dụng những lợi ích do công nghệ này mang lại là điều hết sức dễ dàng. Thậm chí, thao tác thiết lập để xe Subaru với EyeSight tự động bám xe phía trước cũng rất đơn giản, với quy trình như kích hoạt cơ chế kiểm soát hành trình thông thường. Khác biệt duy nhất nằm ở việc người lái có thể chủ động chọn khoảng cách phù hợp theo ý muốn.
Ngay cả trong đêm tối, các kĩ sư của Subaru cho biết khả năng của các máy quay kép EyeSight trong điều kiện thiếu sáng là khá tốt và những giá trị an toàn mang lại trong điều kiện lái xe đêm có thể được thấy rõ. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của người viết, nếu EyeSight được tăng cường thêm cảm biến tầm xa, hoặc kết hợp với công nghệ “trỏ” của đèn pha laser hiện đại, nó sẽ vận hành hoàn chỉnh hơn trong bóng tối, thậm chí có thể mở rộng độ hiệu quả trong hỗ trợ lên nhiều lần.
Có thể thấy, tính hiệu quả của những hệ thống thông minh hỗ trợ người lái như EyeSight trong việc bảo đảm an toàn và tăng tính tiện dụng là không cần bàn cãi. Việc Subaru bổ sung công nghệ an toàn chủ động vào những mẫu xe vốn đã xây dựng vững vàng vị thế của mình trên thị trường cũng giúp chúng sẵn sàng đón nhận và hòa nhập vào môi trường giao thông tương lai của những chiếc ô tô thông minh.
THỰC TẾ SỬ DỤNG TẠI VIỆT NAM
Trong điều kiện vận hành thông thường, người lái cho xe lưu thông với tốc độ từ 30 - 40 km/giờ. Khi xe di chuyển, hệ thống camera trên kính lái liên tục thu thập dữ liệu hình ảnh xung quanh xe. Khi phát hiện nguy cơ va chạm, Subaru EyeSight sẽ phát ra âm thanh kèm theo hình ảnh cảnh báo trên bảng đồng hồ trung tâm. Trong tình huống này, nếu người lái lơ là và không có phản ứng sau khi xe đã phát tín hiệu cảnh báo, hệ thống sẽ tự động phanh xe để giảm thiểu tác động, phòng ngừa va chạm xảy ra. Trong trường hợp người lái kịp thời phản ứng và đạp chân phanh, hệ thống sẽ tự động hỗ trợ lực phanh để tránh va chạm.
Chức năng này đặc biệt ý nghĩa với người lái lơ là, không tập trung, chẳng hạn như trong trường hợp đang nhìn sang 2 bên đường và xe phía trước đột ngột phanh gấp.
Ở một tình huống khác, người lái đưa xe ra khỏi bãi đỗ nhưng lại "nhầm" vị trí hộp số. Trường hợp người lái chuyển cần số về vị trí D thay vì R để lùi xe, Subaru EyeSight sẽ kịp thời nhận biết chướng ngại vật phía trước sau đó phát tín hiệu cảnh báo. Đồng thời EyeSight sẽ tạm thời ngắt lực kéo động cơ trong khoảng 4 giây để tránh trường hợp xe “chồm lên” phía trước do người lái đạp chân ga.
Trên đường cao tốc, nếu người lái lơ là trong việc chỉnh vô lăng khiến xe có xu hướng đảo làn hay đi lệch khỏi làn đường. Camera sẽ kịp thời quan sát, thu thập dữ liệu đồng thời hệ thống sẽ cảnh báo thông qua âm thanh và đèn nhấp nháy trên bảng táp lô để “nhắc nhở” người lái trước khi phương tiện đi lệch khỏi làn đường. Tuy nhiên, theo các kỹ sư của Subaru chức năng này chỉ được kích hoạt khi xe đang lưu thông với tốc độ trên 50 km/giờ. Chức năng này sẽ góp phần đảm bảo an toàn trong các tình huống người lái mất tập trung hay buồn ngủ khi lái xe trên đường trường, cao tốc.
Một tính năng khác của Subaru EyeSight mà người dùng Việt Nam đánh giá cao chính là ga tự động thích ứng (ACC). Đây là hệ thống hỗ trợ người lái trong việc thoải mái hơn khi lái xe trên cao tốc, hệ thống này tự động giữ khoảng cách đối với xe đi phía trước (người lái có thể lựa chọn khoảng cách theo các dải tốc độ được tính toán sẵn), bao gồm cả việc tăng tốc/ giảm tốc theo hành động của xe phía trước, thậm chí có thể phanh dừng hẳn lại rồi tiếp tục lăn bánh theo xe phía trước. ACC hoạt động được ngay cả trong trường hợp lưu thông trong các đô thị lớn vào thời điểm các xe đang phải nối đuôi nhau.
Trong tình huống mô phỏng xe đang dừng đèn đỏ phía sau một phương tiện khác. Khi bắt đầu chuyển sang đèn xanh, EyeSight sẽ nhận biết được dòng phương tiện bắt đầu di chuyển để cảnh báo người lái bằng một tiếng bíp và đèn báo nhấp nháy. Đây cũng là một tình huống mà tài xế Việt Nam thường gặp phải khi vận hành xe trong đô thị.
Với công nghệ “mắt thần” Subaru EyeSight về cơ bản dựa trên việc thu thập dữ liệu, phân tích rồi phát tín hiệu cảnh báo người lái, tránh nguy cơ va chạm. Theo thống kê của Subaru, khi được trang bị EyeSight, tất cả mẫu xe Subaru đều nhận được đánh giá an toàn cao nhất cho hạng mục Phòng ngừa tai nạn phía trước bởi Viện nghiên cứu an toàn giao thông quốc gia Mỹ (IIHS).
CÓ NÊN PHỤ THUỘC HOÀN TOÀN VÀO SUBARU EYESIGHT?
Dù sở hữu nhiều tính năng ưu việt, Subaru EyeSight cũng chỉ là những tính năng hỗ trợ thêm cho người lái, không phải là một hệ thống có thể bảo đảm an toàn tối đa trong mọi tình huống. Người lái luôn phải chủ động trong các tình huống khi tham gia giao thông, không thể hoàn toàn phó thác sự an toàn của mình vào “tầm nhìn” của camera và đặc biệt luôn làm chủ tay lái cũng như chân ga, chân phanh trong các tình huống lái xe.
Hơn 3 năm sử dụng, hệ thống an toàn Subaru EyeSight trên chiếc Forester Eyesight này vẫn đang hoạt động ổn định và hiệu quả, nhiều lần "cứu" người lái thoát khỏi tình huống nguy hiểm. Rõ ràng, hệ thống này có tác dụng thật sự chứ không đơn thuần là tính năng trang bị cho có.
Ngoài Subaru EyeSight, nhiều hãng xe khác tại Việt Nam cũng đã đang ứng dụng gói an toàn tương tự như Toyota Safety Sense, Honda Sensing, Mazda i-Activsense hay Hyundai Smart Sense.